Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu màng lọc kem chống nắng là gì cũng như những đánh giá khách quan về các màng lọc chống nắng phổ biến hiện nay. Trên cơ sở những thông tin đó, bạn có thể dễ dàng chọn lựa cho mình loại kem chống nắng phù hợp với làn da và sở thích cá nhân của mình.
Màng lọc kem chống nắng là gì?
Theo Chương trình nghiên cứu độc chất học quốc gia NTP (National Toxicology Program) của Mỹ, màng lọc kem chống nắng (UV Filter) là các hoạt chất hóa học cụ thể được thêm vào kem chống nắng nhằm mục đích hấp thụ hoặc ngăn chặn tia cực tím (UV) từ mặt trời gây hại cho da.
Hoặc theo định nghĩa của Moyal và Fourtanier vào năm 2008, Osterwalder và Herzog vào năm 2010 thì màng lọc kem chống nắng (lọc tia cực tím) là các hợp chất được thiết kế chủ yếu để bảo vệ làn da của chúng ta chống lại tác hại của bức xạ tia UV. Và sẽ là lý tưởng nhất nếu màng lọc kem chống nắng có khả năng bảo vệ ở cả phạm vi tia UVB và UVA (tức là có khả năng chống nắng phổ rộng).
Hiểu một cách đơn giản, màng lọc kem chống nắng là thành phần có trong công thức của các loại kem chống nắng bôi ngoài da, có khả năng tương tác với tia UV thông qua 3 cơ chế cơ bản: phản xạ, tán xạ và hấp thụ. Từ đó bảo vệ da khỏi các tác hại đến từ tia cực tím.
Một số màng lọc kem chống nắng phổ biến, thường xuất hiện trong bảng thành phần của các loại kem chống nắng trên thị trường hiện nay có thể kể đến như: Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone, Homosalate, Octisalate, Zinc Oxide, Titanium Dioxide… Các màng lọc kem chống nắng này được phân nhóm với các tên gọi khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cách phân loại các màng lọc này ở phần II nhé.
Ngoài được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm (cụ thể là kem chống nắng), màng lọc kem chống nắng còn được ứng dụng trong ngành gia dụng (đồ nhựa, đồ chơi, đồ nội thất…) nhằm hạn chế sự xuống cấp của đồ dùng do tác động của tia cực tím.
Phân loại màng lọc chống nắng hiện nay
Màng lọc kem chống nắng được phân loại theo 2 cách sau:
- Cách 1: Màng lọc chống nắng vật lý và màng lọc chống nắng hóa học.
- Cách 2: Màng lọc chống nắng vô cơ và màng lọc chống nắng hữu cơ.
Về cơ bản, 2 cách phân loại trên chỉ khác nhau về mặt tên gọi, còn về các hoạt chất được phân nhóm đều giống nhau:
Màng lọc chống nắng vật lý (có các hoạt chất tương tự màng lọc vô cơ): bao gồm các loại hạt không hòa tan như Zinc Oxide (ZnO), Titanium Dioxide (TiO2), Iron Oxide, Kaolin, Ichthammol, Calaminein… Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ và Brazil thì chỉ có hai bộ lọc chống nắng vô cơ là Zinc Oxide (ZnO) và Titanium Dioxide (TiO2) lần lượt được FDA và ANVISA phê duyệt. Chính vì lý do đó mà 2 màng lọc chống nắng vô cơ này được thương mại hóa và trở thành 2 thành phần chính có trong đa số kem chống nắng vô cơ hiện nay.
Màng lọc chống nắng hóa học (có các hoạt chất tương tự màng lọc hữu cơ): bao gồm các hoạt chất thường ở dạng lỏng, dễ tan trong dung môi gốc dầu hoặc nước lỏng là: Avobenzone, Oxybenzone, Tinosorb S, Octocrylene, Octinoxate, Sulisobenzone, Homosalate, Octisalate…
Sở dĩ có thêm sự xuất hiện của cách phân loại 2 (màng lọc chống nắng vô cơ và hữu cơ) là vì cách phân loại 1 (màng lọc chống nắng vật lý và hóa học) vẫn chưa đủ thuyết phục. Không giống như các màng lọc hóa học khác Tinosorb M tồn tại dưới dạng hạt rất mịn trong nước, không hòa tan và tạo thành dung dịch, đây là đặc điểm giống với Zinc Oxide và Titanium Dioxide thuộc màng lọc chống nắng vật lý, vì vậy cách phân loại màng lọc vật lý và màng lọc hóa học là chưa đủ thuyết phục.
Do đó, cách phân loại 2 xuất hiện và đồng thời được cho là thuyết phục hơn cách 1. Trong hóa học, chất hữu cơ là những hợp chất có chứa cacbon, chúng ta thấy rằng các màng chống nắng Tinosorb M, Avobenzone, Oxybenzone, Octocrylene… đều chứa cacbon nên được phân loại là màng lọc chống nắng hữu cơ. Còn màng lọc chống nắng Titanium Dioxide (TiO2) và Zinc Oxide (ZnO) được cấu thành từ kim loại và oxy, không chứa cacbon nên được gọi là màng lọc chống nắng vô cơ.
Xem thêm: Kem chống nắng hóa học là gì? Ưu và nhược điểm
Đánh giá màng lọc chống nắng vô cơ
Khả năng chống tia UV
Phạm vi quang phổ bảo vệ da trước tia cực tím của màng lọc chống nắng TiO2 khá rộng, kéo dài từ vùng UVA II đến UVB (theo Serpone, Dondi, Albini, 2007). Trong khi đó, phạm vi bảo vệ của ZnO đạt cực đại trong phổ UVA. Do đó, TiO2 có thể được sử dụng đơn lẻ vì nó có khả năng bảo vệ trên toàn phổ. Còn ZnO thường được sử dụng kết hợp với hoạt chất có công dụng ngăn được tia UVB để cùng tạo ra sản phẩm kem chống nắng cung cấp khả năng bảo vệ phổ rộng suốt cả ngày.
Ngoài ra, các màng lọc chống nắng vô cơ thường ổn định và có khả năng chống nắng bền vững trong thời gian dài. Tuy nhiên, lớp chống nắng này cũng có thể mất đi hiệu quả nếu bị rửa trôi do tiếp xúc với mồ hôi, nước… trong quá trình hoạt động hàng ngày.
Độ an toàn
Màng lọc chống nắng vô cơ TiO2 và ZnO là 2 thành phần lành tính, an toàn cho da, hạn chế gây kích ứng nên an toàn cho cả da nhạy cảm như da mẹ bầu và em bé. Đây cũng là ưu điểm khác biệt của màng lọc chống nắng vô cơ so với màng lọc chống nắng hữu cơ.
Tính ứng dụng thực tế trên da
Nhờ khả năng hoạt động ngay khi thoa lên da mà màng lọc kem chống nắng vô cơ có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, có thể đi ra ngoài ngay sau khi thoa mà không cần chờ. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm bất lợi của các hoạt chất thuộc màng lọc chống nắng vô cơ là khả năng tạo ra 1 lớp màng trắng bệch và dày trên da. Điều này là do hai tính chất đặc biệt dưới đây:
- Kích thước lớn của các hạt hoạt chất (trên 200nm). Kích thước này cho phép chúng phản xạ không chỉ bức xạ UV mà còn cả ánh sáng khả kiến (bước sóng trong khoảng 400 – 700nm) nên mắt thường có thể nhìn thấy.
- Chỉ số khúc xạ của chúng cao (2,6 đối với TiO2 và 1,9 đối với ZnO).
Một lớp màng chống nắng vừa trắng vừa dày trên da ngoài việc gây hạn chế về mặt thẩm mỹ còn có khả năng gây bí da, sinh mụn nên không khả thi đối với các làn da có tông màu tối hoặc da dầu mụn cho lắm.
Đánh giá màng lọc chống nắng hữu cơ
Khả năng chống tia UV
Về cơ bản, màng lọc kem chống nắng hữu cơ cũng có khả năng chống nắng tốt như màng lọc chống nắng vô cơ, có khả năng chống cả tia UVA và UVB. Tuy nhiên, nếu xét riêng về khả năng chống tia UVA thì màng lọc chống nắng hữu cơ có ưu thế hơn nhờ Avobenzone.
Tuy nhóm màng lọc chống nắng hữu cơ này có khả năng chống tia UV phổ rộng nhưng lại có điểm trừ là kém bền dưới ánh nắng. Avobenzone sẽ mất đi khoảng từ 50 – 90% khả năng lọc tia UV của mình trong vòng 1 giờ đồng hồ tiếp xúc với ánh sáng. Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm vì các nhà nghiên cứu đã kết hợp thêm các hoạt chất như Tinosorb S, Tinosorb M… trong bảng thành phần nhằm ổn định khả năng hoạt động của màng lọc Avobenzone.
Kem chống nắng Babe Super Fluid Mattifying Sunscreen SPF 50 là kem chống nắng hữu cơ chứa cả màng lọc Avobenzone và Tinosorb, với:
- Khả năng kiềm dầu thế hệ mới: Không ráo dầu theo kiểu khô mà vẫn để lại lớp finish ẩm mịn trên da.
- Là kem chống nắng 2-in-1: Vừa có khả năng chống nắng phổ rộng, vừa dưỡng ẩm hiệu quả cho da nhờ thành phần Niacinamide.
- Tính tiện lợi cao: Chỉ cần dùng 1 sản phẩm là đủ, không cần sử dụng lắt nhắt nhiều bước skincare mỗi sáng, thích hợp cho các bạn bận rộn. Đây cũng xu hướng chăm sóc da tối giản hiện nay.
Độ an toàn
Có nhiều quan điểm cho rằng khi hấp thụ các photon tia cực tím, các màng lọc chống nắng hữu cơ có thể giải phóng các gốc tự do, từ đó gây tổn hại Collagen, Elastin (các sợi tạo độ săn chắc, đàn hồi cho da) hoặc gây hư tổn DNA của tế bào da. Tuy nhiên, thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh cho luận điểm màng lọc chống nắng hữu cơ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tính ứng dụng thực tế trên da
Màng lọc kem chống nắng hữu cơ lại ghi điểm với người dùng bởi kết cấu mỏng nhẹ và gần như không gây bết rít, bít tắc lỗ chân lông. Màng lọc này sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho làn da dầu dễ nổi mụn.
Tuy nhiên, vì là màng lọc hữu cơ nên chúng cần thời gian để thẩm thấu vào da và phát huy tác dụng của mình (thông thường khoảng từ 15 – 20 phút). Đối với những bạn bận rộn thì đây có thể là một điểm trừ nhỏ.
Nên chọn màng lọc kem chống nắng nào?
Để chọn được kem chống nắng tốt, phù hợp với nhu cầu của mình, bạn cần hiểu rõ đặc tính của các hoạt chất xuất hiện trong bảng thành phần sản phẩm thay vì chỉ chăm chăm vào cái mác nó là kem chống nắng vô cơ hay hữu cơ.
Ngoài ra, tùy vào sở thích và tình trạng da của mình, bạn có thể tự quyết định chọn cho mình kem chống nắng màng lọc vô cơ hay hữu cơ. Ví dụ: bạn có làn da nhạy cảm, dễ mẩn đỏ khi tiếp xúc với ánh nắng, bạn có thể ưu tiên chọn kem chống nắng vật lý và bỏ qua vấn đề về thẩm mỹ mà loại kem này để lại. Còn với những bạn ưu tiên có một lớp “finish” mỏng nhẹ, vừa đẹp trên da để luôn tự tin khi bước ra ngoài thì có thể ưu tiên chọn kem chống nắng hữu cơ.
17 màng lọc chống nắng phổ biến nhất hiện nay
Tên màng lọc | Mô tả |
Avobenzone | Màng lọc chống nắng hữu cơ có khả năng chống tia UV phổ rộng, bao gồm cả tia UVA, bảo vệ da trước các nguy cơ lão hóa, tăng sắc tố và ung thư da. Avobenzone được FDA công nhận là an toàn và được hoạt động với nồng độ 3% trong kem chống nắng. |
Tinosorb S, Tinosorb M | Hoạt chất này có khả năng ổn định Avobenzone, chống tia UVA và UVB, bảo vệ da khỏi các tác động của oxy hóa và lão hóa do ánh sáng mặt trời. Hoạt chất được cho phép hoạt động ở nồng độ tối đa là 10%. |
Octinoxate | Khả năng chống tia UVB mạnh, kết hợp với Avobenzone tạo ra màng lọc chống nắng phổ rộng, từ đó ngăn ngừa các nguy cơ bỏng da cũng như lão hóa sớm. Hoạt chất này được EU cho phép hoạt động ở nồng độ tối đa là 10% |
Uvinul T150 | Màng lọc chống nắng có khả năng chống được tia UVB. Hiện chưa có quy định cụ thể về độ an toàn của hoạt chất này trong mỹ phẩm |
Oxybenzone | Màng lọc kem chống nắng phổ rộng vì có khả năng ngăn cả tia UVB và UVA (bước sóng ngắn). Thành phần này được EU cho phép hoạt động với nồng độ cao nhất là 6% |
Aminobenzoic acid | Hoạt chất chống nắng có khả năng bảo vệ da trước tác động của tia UVB. Màng lọc được cho phép sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ an toàn từ 5 – 15% |
Cinoxate | Hoạt chất này cho khả năng chống tia UVB khá tốt. ồng độ an toàn được FDA cho phép sử dụng là từ 1 – 3%. |
Ensulizole | Hoạt chất này có khả năng chống được tia UVB rất tốt và được EU cho phép có mặt trong sản phẩm mỹ phẩm với nồng độ cao nhất là 8% |
Octocrylene | Khả năng hấp thụ cả tia UVB và UVA nhưng ở bước sóng ngắn. Kết hợp với Avobenzone để tăng tính ổn định của Avobenzone dưới ánh sáng. EU đã quy định nồng độ của Octocrylene không được quá 10% |
Ecamsule (MexoryTM SX) | Hoạt chất có công dụng chủ yếu là bảo vệ da khỏi tia UVA2. Nồng độ an toàn được EU cho phép sử dụng trong mỹ phẩm là 10%. |
Ethylhexyl Salicylate | Còn gọi là Octyl Salicylate, Octisalate. Đây là hoạt chất chống nắng có khả năng ngăn chặn tia UVB và một lượng nhỏ tia UVA. EU cho phép sử dụng ở nồng độ cao nhất là 5% |
Ethyl methoxycinnamate | Hoạt chất này có khả năng lọc một số tia UV. Nồng độ cho phép trong mỹ phẩm tối đa là 10%. |
Homosalate (Trimethylcyclohexyl salicylate) | Màng lọc có khả năng chống nắng phổ rộng, chống được cả tia UVB và UVA, được cho phép sử dụng nồng độ tối đa là 10% |
Methyl Anthranilate (Meradimate) | Công dụng hấp thụ tia UV có trong các sản phẩm chống nắng, chì kẻ lông mày, phấn nền và son môi. Hiện chưa có quy định chính xác về nồng độ an toàn của hoạt chất này. |
Octyl dimethyl PABA (Padimate O) | Hoạt chất này có khả năng ngăn được tia UVB khá tốt. Nó xuất hiện trong bảng thành phần sản phẩm mỹ phẩm với nồng độ tối đa là 8% |
Octyl salicylate (Octisalate) | Có khả năng chống được tia UVB khá tốt (bước sóng khoảng 295 – 315 nm). Đây là hoạt chất chưa được FDA đưa vào danh sách các hoạt chất chống nắng an toàn cho da. Nồng độ được cho là an toàn của hoạt chất này trong kem chống nắng là 5%. |
Sulisobenzone | Hoạt chất có khả năng chống được cả tia UVB và UVA2. Theo quy định từ FDA, nồng độ sử dụng hoạt chất này tối đa là 10% và phát huy công dụng tốt từ 5%. |
Ứng dụng công nghệ điều chế màng lọc chống nắng
Việc ứng dụng công nghệ trong màng lọc kem chống nắng là để cải tiến những điểm còn hạn chế của các màng lọc, từ đó sản xuất ra những loại kem chống nắng cho hiệu quả tối ưu, phù hợp với thị hiếu của người dùng.
Công nghệ nano trong kem chống nắng vô cơ
Các hạt TiO2 và ZnO có khả năng chống tia UV tốt nhưng chỉ số khúc xạ cao và kích thước lớn của chúng lại làm cho kết cấu kem chống nắng trở nên mờ đục và để lại cặn trắng trên da. Giải pháp cho hạn chế này là điều chế các hạt TiO2 và ZnO ở kích thước nano giúp cho kết cấu kem chống nắng trở nên trong suốt, nâng cao tính thẩm mỹ và vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ tốt tia cực tím. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là các hạt nano ZnO và TiO2 dễ dàng xâm nhập vào không gian nội bào của lớp sừng và gây hại cho da.
Công nghệ kết hợp các màng lọc chống nắng hữu cơ
Công nghệ kết hợp các màng lọc hữu cơ giúp Avobenzone ổn định và kéo dài khả năng chống nắng. Ngoài Tinosorb S và Tinosorb M thường được kết hợp với Avobenzone trong công thức kem chống nắng thì Octocrylene cũng là 1 hoạt chất triển vọng cho công thức kết hợp này. Trong một nghiên cứu,để tìm ra hoạt chất giúp Avobenzone ổn định quang học 90 – 100% ngay cả sau khi chiếu xạ ở 25 MED, thì Octocrylene là chất đóng vai trò là chất hòa tan Avobenzone ổn định và hiệu quả nhất. Ngoài ra, Octocrylene trong kem chống nắng cũng hoạt động như một màng lọc tia UVB.
Kết hợp màng lọc chống nắng với các hoạt chất chống oxy hóa
Trong một nghiên cứu về tác dụng ổn định của chất chống oxy hóa đối với Avobenzone được công bố năm 2014, người ta đã sử dụng Vitamin C, Vitamin E và Ubiquinone kết hợp với Avobenzone.
Kết quả cho thấy các công thức kết hợp Avobenzone với Vitamin E (tỷ lệ 1:2), Avobenzone và Vitamin C (tỷ lệ 1:0,5), Avobenzone và Ubiquinone (tỷ lệ 1:0,5) giúp tăng khả năng ổn định của Avobenzone dưới ánh sáng bằng cách dập tắt các gốc tự do sản sinh ra từ việc việc Avobenzone bị đứt gãy (do tiếp xúc với ánh sáng). Trong các công thức chống nắng cùng đợt nghiên cứu, chất ổn định quang hiệu quả nhất là Ubiquinone.
Sử dụng công nghệ bọc (encapsulation)
Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018, kết quả đáng chú ý được tìm thấy là kem chống nắng được ứng dụng công nghệ micro-encapsulation (tạm dịch công nghệ bọc các hoạt chất với kích thước siêu nhỏ) có thể làm giảm sự xâm nhập của các bộ lọc tia cực tím hữu cơ trên da, do đó đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, công nghệ bọc này cũng sẽ giúp cho các màng lọc kem chống nắng hữu cơ tăng khả năng ổn định dưới ánh sáng của mình.
Sơ đồ bên dưới là kết quả minh chứng: Khả năng chống nắng của các màng lọc hữu cơ không sử dụng công nghệ bọc giảm đáng kể theo 4 giờ đồng hồ. Trong khi đó, khả năng chống nắng của các màng lọc hữu cơ (cùng loại) được bọc công nghệ encapsulation lại không giảm đáng kể.
Hy vọng những đánh giá về màng lọc kem chống nắng cũng như thông tin về một số hoạt chất, công nghệ được ứng dụng trong kem chống nắng mà chúng tôi vừa chia sẻ ở trên có thể giúp bạn có được cái nhìn sâu hơn về màng lọc kem chống nắng cũng như có được những quan điểm khách quan khi chọn kem chống nắng. Chúc bạn sớm tìm được cho mình loại kem chống nắng phù hợp và ưng ý nhất!