Kem chống nắng là vũ khí không thể thiếu để bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UVA, UVB và IR. Hiện nay, có hai loại kem chống nắng phổ biến trên thị trường là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt kem chống nắng vật lý với hóa học và biết cách lựa chọn kem chống nắng phù hợp cho làn da của mình.
Cách phân biệt kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học
Tên gọi và nhãn dán
Trước đây, kem chống nắng vật lý thường xuất hiện với cái tên Sunblock, còn Sunscreen dùng để chỉ kem chống nắng hoá học. Tuy nhiên, theo cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), việc dùng từ “Sunblock” là chưa hợp lý, vì điều này đang phóng đại tác dụng của sản phẩm một cách sai sự thật. Không có kem chống nắng nào có khả năng ngăn chặn (block) tia UV hoàn toàn, chúng ta vẫn cần đảm bảo việc thoa lại khi cần thiết cùng những biện pháp che chắn khác để bảo vệ da tốt hơn.
Xem thêm: Câu hỏi số 6 trong thông báo của FDA về việc sử dụng từ sunblock
Theo quy định của FDA, các nhà sản xuất kem chống nắng tại Mỹ sẽ không được dùng từ “Sunblock” để gắn lên sản phẩm. Kem chống nắng sẽ được gọi chung là “Sunscreen”, với phân loại:
- Mineral (Physical) Sunscreen là Kem chống nắng vật lý
- Chemical Sunscreen là Kem chống nắng hóa học
Thành phần hoạt chất
Kem chống nắng vật lý sử dụng bộ lọc vật lý như Zinc Oxide (ZnO) và Titanium Dioxide (TiO2).
Kem chống nắng hoá học sử dụng bộ lọc hoá học là các hoạt chất thường ở dạng lỏng, dễ tan trong môi trường gốc dầu như: Tinosorb M, Avobenzone, Octocrylene, Octinoxate, Oxybenzone, Sulisobenzone, Homosalate, Octisalate…
Cơ chế hoạt động
Sự khác biệt quan trọng giữa các loại kem chống nắng nằm ở cách chúng hoạt động như thế nào trên làn da. Đối với màng lọc vật lý (hay còn gọi là màng lọc vô cơ) ZnO, TiO2, các màng lọc này sẽ bảo vệ da bằng cách phản xạ, tán xạ tia UV và chỉ có một phần rất nhỏ hấp thụ tia UV.
Trong khi đó, màng lọc hóa học (hay còn gọi là màng lọc hữu cơ) sẽ hoạt động bằng cách hấp thụ tia UV và chuyển hóa thành ánh sáng và nhiệt có bước sóng không gây hại cho da.
Ưu nhược điểm của kem chống nắng vật lý
Ưu điểm
- Titanium Dioxide và Zinc Oxide là những thành phần lành tính, an toàn thường ít gây kích ứng. Đặc biệt là làn da dễ bị kích ứng nhiệt: đỏ, rát khi tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời.
- Kem chống nắng vật lý phù hợp với những người có làn da nhạy cảm.
- Kết cấu bền vững, duy trì trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, lớp màng chống nắng rất dễ bị rửa trôi bởi nước và mồ hôi, bạn nên lưu ý thoa lại lớp kem sau 3 – 4 tiếng.
- Kem chống nắng vật lý hoạt động ngay sau khi thoa lên da mà không cần đợi một khoảng thời gian chờ như kem chống nắng hoá học.
Nhược điểm
- Titanium Dioxide và Zinc Oxide tạo thành một lớp kem dày, đặc khi thoa lên da, rất dễ gây bí da, bít tắc lỗ chân lông và dễ sinh mụn.
- Dễ rửa trôi khi da tiết nhiều mồ hôi hay khi tiếp xúc với nước.
- Kem chống nắng vật lý thường để lại vệt trắng bệch và khó tiệp với màu da hay lớp nền trang điểm. Khi thoa kem mà da đổ dầu nhiều cũng dễ khiến da xuống tone, sạm màu và loang lổ.
Ưu nhược điểm của kem chống nắng hóa học
Ưu điểm
- Lớp kem mỏng nhẹ, ít nhờn rít và gần như không gây bít tắc lỗ chân lông, vì vậy kem chống nắng hóa học luôn là sự lựa chọn hoàn hảo cho làn da dầu mụn.
- Không để lại vệt trắng bệch, không làm da bị bóng dầu, loang lổ mà sẽ tiệp hẳn vào màu da. Do đó bạn cũng có thể sử dụng kem chống nắng hoá học như một bước lót trước khi trang điểm.
- Kem chống nắng hóa học đuợc đánh giá cao hơn kem chống nắng vật lý nhờ hoạt chất Avobenzone hấp thụ tia UVA bước sóng dài cực kỳ tốt, bảo vệ da toàn diện (ngăn ngừa nám, lão hóa và ung thư da).
Nhược điểm
- Các thành phần trong kem chống nắng hoá học lại kém bền vững dưới ánh nắng. Điển hình là Avobenzone sẽ mất 50 – 90% khả năng lọc tia UV trong vòng 1 giờ tiếp xúc với ánh sáng. Do đó, các nhà sản xuất thường kết hợp thêm các thành phần giúp ổn định hoạt chất chống nắng trong công thức như Tinosorb S, Univul T150, Octinoxate…
- Sau khi thoa kem chống nắng hóa học, bạn sẽ phải chờ 15-20 phút để kem chống nắng phát huy tác dụng.
Hiện nay, để cải tiến công thức kem chống nắng truyền thống, các nhà khoa học đã cho ra đời kem chống nắng vật lý lai hóa học với bảng thành phần kết hợp bộ lọc vật lý và hóa học tăng cường khả năng chống nắng hiệu quả.
Kem chống nắng vật lý lai hoá học nhìn chung có thể khắc phục được nhược điểm “làm da trắng bệch, thiếu tự nhiên”của kem chống nắng vật lý. Tuy nhiên việc kết hợp bộ lọc vật lý và hoá học trong cùng một sản phẩm đòi hỏi một công thức đủ tốt, vì cấu trúc màng lọc rất dễ bị phá vỡ và ảnh hưởng đến chất lượng chống nắng. Vấn đề này sẽ rất khó nhận biết do mỗi hãng có công thức bào chế khác nhau, bạn nên tìm kiếm thông tin review từ những người đã trải nghiệm hoặc lựa chọn sử dụng sản phẩm của nhãn hàng có độ uy tín cao.
Nên dùng kem chống nắng vật lý hay hóa học
Từ những đặc tính của từng dạng kem chống nắng, chúng ta có thể thấy mỗi loại đều sẽ có ưu nhược điểm riêng, không có loại nào tốt hơn hoàn toàn. Bạn nên lựa chọn kem chống nắng phù hợp với nhu cầu và tình trạng da hiện tại của bạn.
Chọn kem chống nắng vật lý nếu da bạn là da nhạy cảm
Kem chống nắng vật lý chứa các thành phần khoáng chất như Kẽm oxit và Titanium dioxit, đây là những chất không gây kích ứng cho da, đặc biệt là làn da nhạy cảm, vì chúng không thẩm thấu vào da mà chỉ nằm trên bề mặt da. Bên cạnh đó, kem chống nắng vật lý thường có ít chất bảo quản và hóa chất gây kích ứng hơn so với kem chống nắng hóa học, điều này giúp giảm thiểu nguy cơ kích ứng và dị ứng cho làn da nhạy cảm.
Chọn kem chống nắng vật lý nếu da bạn dễ bị ửng đỏ do kích ứng nhiệt
Nếu da bạn dễ bị nổi mụn đỏ hoặc dễ bị ửng đỏ khi tiếp xúc với ánh nắng, thì kem chống nắng vật lý sẽ là lựa chọn phù hợp cho da của bạn. Vì kem chống nắng hóa học có nguyên lý hoạt động hấp thụ tia UV và chuyển hóa thành nhiệt, nên làn da bạn sẽ nhanh bị kích ứng nhiệt và ửng đỏ thêm.
Chọn kem chống nắng hóa học trước khi trang điểm
- Thẩm thấu nhanh: kem chống nắng hóa học thấm vào da nhanh chóng hơn so với kem chống nắng vật lý, do đó không làm ảnh hưởng đến độ bám của lớp trang điểm, giúp lớp trang điểm lâu trôi hơn.
- Mỏng nhẹ và không nhờn rít: kem chống nắng hóa học thường có kết cấu mỏng nhẹ, không gây cảm giác nhờn rít trên da, giúp lớp trang điểm được mịn màng và tự nhiên hơn.
- Giảm bóng nhờn: kem chống nắng hóa học có khả năng kiểm soát dầu và giảm bóng nhờn trên da, điều này giúp lớp trang điểm giữ được độ tươi tắn và không bị trôi trong suốt cả ngày.
- Dễ tán đều: kem chống nắng hóa học thường dễ tán đều trên da, tạo nên một lớp nền mỏng nhẹ và tiệp màu da, giúp lớp trang điểm được hoàn hảo hơn.
Chọn kem chống nắng hóa học nếu da bạn là da dầu dễ nổi mụn
- Kết cấu mỏng nhẹ, không gây bí da: kem chống nắng hóa học thường có kết cấu mỏng nhẹ, dễ thẩm thấu vào da, không gây bí da hay tắc nghẽn lỗ chân lông, giúp giảm thiểu nguy cơ nổi mụn trên làn da dầu.
- Hấp thụ nhanh và không gây nhờn rít: kem chống nắng hóa học thấm vào da nhanh chóng, không gây cảm giác nhờn rít trên da, giúp làn da dầu cảm thấy thoải mái hơn.
Những bạn da dầu dễ nổi mụn nên ưu tiên kem chống nắng hoá học có thành phần giúp kiềm dầu hiệu quả, đồng thời tích hợp các hoạt chất dưỡng ẩm trong cùng một sản phẩm để giảm thiểu nguy cơ bí da do layer quá nhiều bước skincare trên nền da dầu. Lúc này, kem chống nắng BABÉ Mattifying là sự lựa chọn vô cùng thích hợp bởi những lý do sau:
- Tổ hợp 4 màng lọc chống nắng hiện đại cho khả năng bảo vệ quang phổ rộng: Avobenzone, Octinoxate, Univul T150, Tinosorb S.
- Chứa 4% Niacinamide giúp dưỡng ẩm, phục hồi và kiềm dầu hiệu quả, thích hợp cho các bạn bận rộn, chỉ muốn dùng một sản phẩm vừa dưỡng vừa bảo vệ da toàn diện mỗi sáng.
- Công thức kiềm dầu thế hệ mới để lại lớp finish ẩm mịn, ráo nhưng không gây khô da.
Nên chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học khi đi bơi?
Khi bạn chuẩn bị đi bơi hoặc trong môi trường dễ tiếp xúc với nước, bạn có thể sử dụng kem chống nắng vật lý hay kem chống nắng hóa học đều được. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên cân nhắc sử dụng loại kem chống nắng trên bao bì có các thông tin như “Water Resistant”, “Waterproof”, đây là các nhãn dán chứng nhận kem chống nắng có khả năng chống nước. Các loại kem này cho khả năng chống nước tối đa trong 40 đến 80 phút, sau đó bạn cần thoa lại kem để duy trì hiệu quả chống nắng tối ưu.
Tóm lại, không có kem chống nắng nào tốt hoàn toàn, mà chỉ có kem chống nắng nào phù hợp với nhu cầu và tình trạng da hiện tại của bạn. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết cách phân biệt kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý, đồng thời có thêm kiến thức để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng. Bạn nên kết hợp sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính mát khi ra đường để bảo vệ làn da toàn diện trước tác hại của ánh nắng mặt trời.